CÁC KIẾP SỐNG
Người phỏng vấn: Khiêm Học Tử
Người Trả Lời: Anh Cố Vấn Hội
Nếu nói mỗi lần đầu thai là một trạm học hỏi trong tiến trình hoàn thiện của tâm linh, thì những trường hợp tự tử có phải là bỏ học giữa chừng hay không?.
Đúng như vậy, tự tử là do phẫn uất tuyệt vọng, chán đời, tựu trung là thiếu Dũng, thiếu cái can đảm chịu đựng cái khổ của sự kiên nhẫn. Người tự tử tưởng là thoát được bế tắc, nào ngờ chẳng giải quyết xong vấn đề gì, bởi vì bài học chưa xong mà “dropout” bỏ cuộc thì sẽ phải học lại ở kiếp khác, thế thôi. Không thể bỏ sót một trạm nào được. Tâm linh từ từ tiến hóa qua luân hồi, từ từ hoàn thiện qua nhiều đời.
Nếu linh hồn lựa chọn những trạm đời mà đầu thai thì tại sao khi thành người lại không biết gì, nhớ gì về các kiếp trước của mình cả?.
Đó là khắc khoải của phái Hiện Sinh, thậm chí họ ví rằng sinh ra đời như là thức dậy trong một toa xe lửa đang chạy, không biết khởi hành từ ga nào và đoàn tàu sẽ ngưng ở ga nào. Linh hồn xuống trần đóng một vai trò nào là do sự tự nguyện, sao cho mau chóng cởi nghiệp, thoát luân hồi. Nhưng khi sinh ra thì cánh cửa ý thức tâm linh trong cõi vô hình và ý thức của bộ óc hữu hình khép lại. Con người lớn lên trong một cuộc đời mới, hoàn toàn không nhớ, không biết gì về tiền kiếp của mình.
Tại sao Bề Trên lại sắp đặt như vậy?. Đó là vì muốn con người hoàn toàn tự do trong hành động của mình ở trạm đời này. Vì có tự do nên có trách nhiệm nhân quả cho những điều mình làm. Đó mời là thử thách, vượt được thử thách mới là xứng đáng. Nếu Bề Trên cho nhân loại trí nhớ về những kiếp trước thì con người sống kiếp này sẽ hoang mang, xáo động, cuộc sống sao còn có tự do quyết định.
Vì vậy, một mặt con người ra đời với một ký ức trắng tinh, mặt khác nhiều tôn giáo đã gián tiếp cho con người biết rằng kiếp trước và kiếp sau có đó, liệu mà tu nhân tích đức.
Hiện giờ, khuynh hướng tìm hiểu tiền kiếp trở nên phổ thông, và mật giáo có phương thức “soi căn” giúp cho những kẻ thành tâm biết được về những kiếp trước của mình.