Edgar Cayce và Luân Hồi
(Bài đăng lại)
Dịch thuật: Huỳnh Thanh Nhạn
Edgar Cayce (1877-1945) là một người Mỹ theo đạo Tin Lành, làm nghề nhiếp ảnh. Ông được thiên phú một khả năng đặc biệt: tự thôi miên mình ngủ, và trong giấc ngủ có thể chẩn đoán bệnh tật của mình và của người khác (dù là ở xa), cho toa, chỉ cách điều trị cực kỳ chính xác và hiệu quả. Ông đã làm việc này trong 43 năm, để lại hơn 30 ngàn bản tốc ký hồ sơ bệnh lý kèm với thư cảm ơn của bệnh nhân đã hết bệnh, và các báo cáo của bác sĩ, tất cả hiện còn lưu trữ tại trụ sở hội A.R.E. (Association for Research and Englightenment) – Hội do ông sáng lập, và ngày nay đang hoạt động rất mạnh tại Mỹ.
Năm 1919, Arthur Lammers, một ông chủ nhà in giàu có ở Dayton, Ohio, đến gặp Edgar Cayce. Lammers và gia đình không ai bệnh tật gì, ông đến để nhờ Edgar Cayce coi “tử vi” cho mình!. Sau buổi “Reading” (người ta gọi những lời nói của Edgar Cayce trong giấc ngủ thôi miên là “Reading” – có thể tạm dịch là “Thần Khẩu”), Lammers vô cùng hứng khởi, ông nói với Cayce: “Cái ý niệm về Chiêm Tinh của chúng ta lâu nay có một điều không ổn. Các ngôi sao không ảnh hưởng đến chúng ta như chúng ta vẫn nghĩ. Chúng ta đã không biết đến một yếu tố vô cùng quan trọng là Luân Hồi (Reincarnation). Anh (Cayce) cho rằng chiêm tinh là sai lầm, và anh đã đưa ra một câu chuyện còn ly kỳ hơn gấp 10 lần luật vận hành của các ngôi sao. Anh nói rằng trước kia tôi đã từng sống trên trái đất này. Anh nói rằng đây là lần xuất hiện thứ ba của tôi trên “quả cầu” này, và tôi vẫn còn giữ một số khuynh hướng từ kiếp trước, kiếp đó tôi là một nhà tu…”. Tưởng cũng nên ghi chú rằng Cayce là người ít học, không biết gì về Chiêm Tinh, Triết Học, Siêu Hình… và lại càng không biết lúc ngủ mình nói những gì, cho nên Lammers mới lập lại cho Cayce nghe sau khi ông đã thức dậy. Sau biến cố này, trong ngôn ngữ của Cayce có thêm từ “Life Reading”, tức là soi căn, soi kiếp. Luân Hồi là một ý niệm quá táo bạo, đi ngược lại giáo lý của Đạo Chúa, khiến cho Cayce là một tín đồ thuần thành đâm ra băn khoăn, lo lắng, mặc dù điều này do một năng lực siêu hình tá khẩu ông mà nói, chứ không phải ý của ông.
Sau khi suy gẫm về câu chuyện một thời gian, Cayce bèn đem ra nói với cậu con trai 16 tuổi của mình – Hugh Lynn….. Sau bữa ăn, ông kể cho cậu Hugh Lynn nghe về một loại Thần Khẩu mới, gọi là Soi Kiếp – và về Luân Hồi. Hugh Lynn nói: “Cha chưa bao giờ nói gì về chuyện đó trong lớp học ngày Chúa Nhật. Chuyện đó thật không?. Cha có tin không?. Chuyện đó có trong Kinh Thánh không?”. Cậu hỏi tới tấp, để che giấu cảm giác cay đắng và xấu hổ đang ập đến người cậu, cậu đã quá khổ vì cha cậu là một “đồng tử”; bạn bè của cậu hay hỏi: “Ba mày làm sao vậy?. Cái món ba mày làm là gì vây?”. Nhưng giờ đây, còn tệ hơn nữa. Gia đình cậu không còn là người Cơ Đốc Giáo nữa, mà là tà giáo. Mà chẳng được là bọn tà giáo giàu có, nhưng là bọn tà giáo khố rách áo ôm.
Edgar nói: “Cha cũng không biết cha có tin hay không nữa. Huệ ngôn nói rằng điều đó có thật. Nhiều người tin điều đó. Nó có vẻ hữu lý. Họ đã hỏi rất nhiều câu. Họ hỏi tại sao Luân Hồi không có trong Cơ Đốc Giáo. Thần khẩu trả lời rằng nó vẫn có trong Cơ Đốc Giáo buổi mới lập đạo. Có một chi phái Cơ Đốc Giáo gọi là “Gnosticism”. Huệ ngôn nói rằng chi phái này là gạch nối các tôn giáo cổ và tôn giáo mới”. “Con thấy không?”. Edgar cố gắng thuyết phục mình cũng như thuyết phục Hugh Lynn. “Tôn giáo cổ đã tiên tri rằng Chúa Giêsu sẽ xuống thế. Những người xây nên Kim Tự Tháp Ai Cập cũng tiên tri về Ngài”. Hugh Lynn nói: “Con chưa bao giờ nghe nói thế”.
Edgar giải thích: “Chúng ta đã tìm được mấy cuốn sách nói về vấn đề này. Có một phong trào bên Anh Quốc gọi là “Israel Anh Quôc” được thành lập dựa trên những lời tiên tri ghi trong Kim Tự Tháp”. Tuy nhiên, con cũng biết rằng Chúa Giêsu không có ý định lập một tôn giáo mới. Ngài chỉ muốn cải tổ đạo Do Thái, là một trong những tôn giáo cổ thờ Đức Chúa Trời duy nhất”. “Cũng như những tôn giáo cổ khác – những tôn giáo ấy gọi là “Mật Giáo”. Đạo Do Thái cũng có một giáo lý bí truyền gọi là “Cabala”. Người theo học đạo này gọi là “người được khai ngộ”, họ là những tu sĩ rất giỏi. Họ học phần mật truyền của đạo, còn dân chúng thì học phần công truyền: họ được dạy cùng một giáo thuyết, cùng một bộ luật về đạo hạnh, nhưng được cắt nghĩa rất đơn giản”.
Hugh Lynn nói: “Ngày nay có còn như vậy không?. Những vị lãnh đạo giáo hội có tin Luân Hồi hay không?”. Edgar đáp: “Không. Thần Khẩu nói rằng khi những nhà lãnh đạo giáo hội buổi ban đầu quyết định rao giảng giáo lý cho mọi người, họ không phân biệt là ai, các ngài đã nhất quyết loại bỏ phần Luân Hồi, vì nó khó giải thích, hơn nữa, lại khó tiêu hóa. Nó làm cho đời sống thêm phức tạp. Nó đòi hỏi một mức độ đạo đức cao hơn nữa. Người ta phải can đảm lắm mới chịu nổi sự kiện là cả một đời đau khổ mới chỉ là một bước trên đường về Thiên Đàng”. Mặt khác, những người không hiểu rõ về luật Luân Hồi lại dễ dãi nói rằng: “Ồ, tốt quá, ta có nhiều kiếp để sống. Ta không bị tống vào hỏa ngục sau kiếp này. Vậy thì cứ vui chơi cho thỏa thích cái đã ”. “Bởi vậy, các ngài đã chống lại giáo phái Gnostic, và đã thắng. Điều các ngài làm là đúng, cha nghĩ thế, bởi vì không dản dị hóa giáo lý thì không truyền bá rộng rãi được. Nếu giữ nguyên, đạo chỉ thu hẹp trong một nhóm nhỏ, gồm các nhà trí thức và học sinh môn siêu hình”.
Hugh Lynn hỏi: “Chúng ta là nhóm đó chăng?”. Cha cậu nói: “Có thể là học sinh môn siêu hình, mặc dầu cha không biết gì về môn đó. Cha chưa bao giờ nghe nói đến môn ấy, mãi đến hai tháng trước đây”. “Nhưng Thần Khẩu nói rằng không có chi phái nào, hoặc học thuyết nào được phép thành lập qua công cuộc này (chú thích: công cuộc chữa bệnh, soi kiếp… của Edgar Cayce). Huệ ngôn nói rằng chúng ta chỉ được đưa cái gì chúng ta đang có, cho những người đang tìm kiếm nó. Khi cơ duyên đến, chân lý sẽ tự chứng tỏ”. “Và việc đầu tiên phải làm – việc quan trọng nhất – là sống với nó trong đời sống của chính chúng ta. Chúng ta không thể dạy chân lý cho kẻ khác trong khi chính chúng ta lại không sống với nó.”
“Đó là cách mà Ơn Trên bảo ta phải làm. Trước hết, chúng ta mang chân lý đến cho chính chúng ta, sau đó cho những cá nhân khác, sau nữa cho các nhóm, rồi tới các tầng lớp và quần chúng. Nhưng nó phải luôn luôn được đưa ra như là một tài sản tự nhiên của mọi người”.
Hugh Lynn nói: “Con không hiểu chuyện Luân Hồi”.
Edgar nói: “Cha cũng không hiểu, nhưng có rất nhiều điều chúng ta tin mà không hiểu. Cha tin vào những điều Eistein nói về thuyết tương đối, nhưng cha không hiểu. Cha tin vào nguyên tử, nhưng cha không hiểu chúng. Còn con, con có hiểu không?”.
“Con không hiểu, nhưng có nhiều người hiểu. Các nhà khoa học hiểu”.
“Nhiều người hiểu Luân Hồi. Người Ấn Độ Giáo tin Luân Hồi. Họ hiểu Luân Hồi”.
Hugh Lynn in lặng. Edgar nói: “Cha tin rằng chúa Giêsu cũng dạy Luân Hồi”.
Ông đứng dậy lấy cuốn Kinh Thánh. Ông nói: “Con hãy nghe đây. Sách thánh John, chương ba, chỗ chúa Giêsu nói với Nicodemus. Ngài bảo Nicodemus rằng chỉ khi nào một người được sinh ra một lần nữa, người ấy mới có thể nhìn thấy nước Trời. Rồi, nơi chương năm sách Matthew, con nhớ không, Chúa Giêsu nói rằng chỉ khi nào một người đạt đến mức độ hoàn hảo?. Thỉnh thoảng cũng có người khá tốt để lên Thiên Đàng, nhưng không phải là thường xuyên. Vậy thì nói rằng ta phải sinh ra lần nữa để tiếp tục cố gắng, là bất hợp lý ư?”.
Rồi, khi Nicodemus hỏi Ngài những điều ấy xảy ra như thế nào, Ngài nói: “Ngươi là thầy của Israel mà không biết những điều ấy sao?”. Nicodemus là một pháp quan của Israel. Ông là một môn đồ của đạo Cabala, cho nên ông phải biết về Luân Hồi”.
Hugh Lynn nói: “Tại sao Chúa Giêsu không nói rõ hơn?. Tại sao Ngài không bảo các thánh tông đồ rao giảng về Luân Hồi?”.
Edgar nói:”Ngài dạy dỗ những người bình thường. Ngài nói rằng Ngài đến không phải để sửa Luật, mà để làm cho Luật được nên trọn vẹn. Thế giới đã ở một thời điểm mà người ta có thể – và phải – ý thức rằng đạo hạnh mang tính chất tinh thần nhiều hơn thể chất, và tình thương không phải là nhận, hoặc đổi chác, mà là cho. Tất cả những điều này ở trong chương năm sách Matthew”. “Nếu con nghiên cứu điều này, con sẽ thấy nó rất hợp với thuyết Luân Hồi – cái ý tưởng rằng chỉ có tinh thần là thật, và tư tưởng xây dựng cho linh hồn nhiều hơn là hành động. Hành động chỉ là những biểu lộ của tư tưởng”. “Như vậy, Chúa Giêsu đã ban cho họ cái luật xuất phát từ sự tin tưởng nơi Luân Hồi. Thuyết Luân Hồi quá phức tạp nên người thường không hiểu nổi, bởi vậy Ngài nhấn mạnh vào chính bản thân Ngài – là một tấm gương về đời sống hoàn hảo”. “Không có gì mù mờ trong lời Chúa dạy: chỉ có một linh hồn hoàn hảo mới có thể lên Thiên Đàng. Chỉ có một mình Chúa Giê Su là hoàn hảo”. “Nhưng Cơ Đốc Giáo dần dần cho phép người ta nghĩ rằng Chúa Giêsu là một lý tưởng không thể đạt được. Ngày nay không còn ai nghĩ rằng cần phải giống Chúa Giêsu mới được lên Thiên Đàng. Nhưng chính Ngài đã bảo rằng phải giống như Ngài mới được lên Thiên Đàng”.
Hugh Lynn nói: “Đâu phải lỗi tòa thánh khi người ta không phải là những con chiên ngoan đạo”.
Edgar lật những trang Kinh Thánh. “Đây là chương 9 của sách John, đoạn nói Ngài chữa lành cho người mù từ lúc lọt lòng mẹ. Con hãy nhớ kỹ, người này mù khi mới sinh ra. Và các tông đồ hỏi Ngài rằng: ‘Thưa Thầy, ai đã phạm tội, người này, hay cha mẹ y, khiến cho y bị mù từ lúc lọt lòng mẹ?’. “Vậy thì, vì y bị mù từ lúc lọt lòng mẹ, làm sao tội lỗi của y có thể khiến cho y bị mù, trừ khi tội ấy có từ kiếp khác?”. Điều này không chứng tỏ được rằng các tông đồ đã quen với luật Luân Hồi nhân quả rồi chăng?”.
“Và đây nữa, trong chương 17 sách Matthew, sau khi một đám mây sáng hiện ra, và có tiếng nói trong mây: “Đây là con trai yêu quí của ta…”. Chúa Giêsu bèn dặn các tông đồ đừng tiết lộ những gì họ đã thấy “cho đến khi con của người từ người chết trỗi dậy”. Và các tông đồ hỏi ngài: “Tại sao các thầy tư tế lại bảo rằng Elias phải tới trước tiên?”. Và chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Elias thật vậy, sẽ tới trước tiên, và sửa sang mọi sự. Nhưng ta nói cùng các ngươi, rằng Elias đã tới rồi mà họ không nhận ra người, nhưng họ lại muốn làm gì đối với người thì làm. Cũng vậy, con của người cũng sẽ đau đớn vì họ”. Các tông đồ liền hiểu rằng Ngài nói với họ về John Baptist.”
“Vậy thì tại sao các tông đồ hiểu rằng Ngài nói với họ về John Baptist, nếu như họ không hiểu rằng John Baptist là hóa thân của Elias?”. Hugh Lynn nói: “Toàn là chuyện gắn ghép gượng gạo. Ai cũng có thể đem Kinh Thánh ra để chứng minh bất cứ điều gì mình muốn. Chính Cha cũng đã từng nói như vậy”.
“Được, hãy nghe đoạn này trong sách Khải Huyền, chương 13, câu thứ 10: “Người nào giết bằng gươm sẽ chết vì gươm. Đây là lòng nhẫn nại và đức tin của bậc Thánh”. Không phải người nào cầm gươm giết người cũng sẽ bị chết vì gươm – trong cùng một kiếp. Và lòng nhẫn nại và đức tin của bậc thánh là gì nếu không phải là một sự hiểu biết vượt khỏi sự hiểu biết của loài người, và để cho luật công bằng của Chúa xét xử?…”
Hugh Lynn hỏi: “Cha đã tìm ra vì sao cha có cái khả năng tâm linh này không?” (Chú thích: khả năng làm Đồng tử nói huệ khẩu).
Cha cậu đưa cho cậu coi bản tốc ký ghi lại những lời ông nói trong giấc ngủ thôi miên về những tiền kiếp của mình. Trong những kiếp trước, đã có lần ông đạt đến một trình độ cao về phát triển linh hồn, nhưng sau đó bị tuột xuống qua nhiều kiếp khác. Kiếp hiện tại này là một cơ hội để ông chuộc lại một số lỗi lầm. Kiếp này là kiếp quyết định: Ơn Trên có ý ban cho ông một sự cám dỗ to lớn, đồng thời một cơ hội tương đương để làm việc thiện. Trong một tiền kiếp, ông đã bị thương trong một trận đánh và bị bỏ mặc trên bãi chiến trường vì tưởng ông đã chết. Ông còn sống mấy ngày, tỉnh táo và cực kỳ đau đớn. Không cử động được, không có cách gì tự cứu mình, ông chỉ còn tinh thần để dùng làm vũ khí chống lại nỗi đau đớn của mình. Ngay lúc trước khi tắt thở, ông đã cố gắng nâng được tinh thần của mình vượt lên thể xác và nỗi đau đớn của nó. Bởi vì không có một thành tựu nào, dù tốt hay xấu, mà bị mất đi, khả năng áp chế được thể xác và những cảm giác của nó trở thành một nét trong cá tính của ông. Cái đó giờ đây được dùng để thử thách con người của Cayce. Nếu dùng nó làm điều lành, nó sẽ nâng ông trở lại trình độ tâm linh mà đã có lần ông đạt được trong tiền kiếp. Nếu dùng nó làm điều ích kỷ, phục vụ những mục tiêu vật chất, nó sẽ dìm ông xuống tận đáy loài người. …….
Hugh Lynn vẫn hoài nghi. Đối với cậu, những điều cha cậu nói sặc mùi thần bí, mà cậu vẫn gắn liền chuyện thần bí với bọn thầy bói bịp bợm, hay những bà già mê chuyện thông thần, và những gã Ấn Độ quấn khăn gập mình dòm những quả cầu pha lê. Tuy nhiên, sự hữu lý của thuyết Luân Hồi cũng đập vào tâm tư cậu, và mặc dù vẫn hoài nghi, thuyết ấy đã làm đời cậu thay đổi. Khi cậu thấy một người lỗ mãng, hay vụng về, hay tàn tật, cậu liền nghĩ đến luật Nhân Quả. Thái độ của cậu đối với những người đó bị ảnh hưởng bởi ý nghĩ rằng những người đó đang trả nghiệp, và vì vậy, cậu phải giúp đỡ và khuyến khích họ. Bỗng dưng cậu nhận ra rằng mình hiểu và muốn giúp đỡ người bất hạnh và tàn tật.
Huỳnh Thanh Nhạn
(Phỏng dịch)