THƯỢNG ĐẾ
(Bài đăng lại)
Minh Tế
Có Thượng Đế hay không?. Thượng Đế tạo ra con người để làm gì?. Nếu con người là tác phẩm của Thượng Đế thì tại sao Thượng Đế lại buộc con người phải qua những thử thách để làm gì?.
Có nhiều tôn giáo cố gắng giải thích Thượng Đế để thỏa mãn trí tò mò của con người, nhưng tất cả chỉ là lý thuyết hoài công. Nói đến “Nguyên nhân ban đầu” thì lại có câu hỏi: “Ai?, Cái gì sinh ra nguyên nhân ban đầu đó?”. Vũ trụ quá kỳ diệu, vượt quá sức tưởng tượng của con người cho nên đầu óc con người không thể nghĩ cho rốt ráo được. Đặt thuyết ra là trật, mô tả là trật.
Đức Phật không hề giải thích về Thượng Đế. Trước câu hỏi của đệ tử: “Cái khổ đến từ đâu?”, Ngài đáp: “Chúng ta như người đang bị trúng mũi tên thuốc độc. Đó là lúc lo chạy chữa để thuốc độc khỏi thấm nguy, chứ không phải là lúc đặt câu hỏi: “Mũi tên từ đâu tới? Tại sao lại bắn?” . Kinh Pháp Hoa thì ví con người như trẻ con chơi ở trong một ngôi nhà đang bị cháy. Sẽ không có thì giờ nói sự thật cho nó hiểu mà phải nói: “Bên ngoài có nhiều bánh kẹo lắm, ra mà ăn” để dụ đứa bé tham lam chay ra ngoài, và nhờ đó khỏi bị chết cháy.
Chúng ta không bàn tới “Nguyên nhân ban đầu” và “Tại sao lại tạo ra con người?” Vì đó là chuyện “Bất khả luận bàn”, đó là bí mật của trời đất, đầu óc con người không thể hiểu thấu cơ năng của vũ trụ. Chúng ta chỉ biết Thượng Đế là Chân Lý, và chúng ta chỉ biết chắc một điều: đó là thân phận chúng ta như thể một người bừng mắt dậy thì thấy mình trên con tàu đang chạy, không biết tàu khởi hành ở ga nào, và sẽ dừng ở ga nào. Chúng ta chỉ biết chắc là mình đang hiện hữu, đang chịu khổ, cũng như Đức Phật đã từng nói: “Hữu thân, hữu khổ”.
Sinh hoạt của chúng ta cho chúng ta biết là có những Đấng trong thế giới vô hình sẵn sàng cứu khổ con người trong thế giới hữu hình. Chúng ta cố gắng theo lời chỉ dạy của những Đấng ấy để làm vơi nỗi khổ của mình và giúp người khác làm như vậy, chứ chúng ta không đổ thừa nỗi khổ của con người cho Đấng Sáng Tạo.
Minh Tế
Khiêm Hoc Tử phỏng vấn- Trích từ Nội San Đặc Biệt HNCHB 12/2000